Học sinh có thể làm theo 4 nguyên tắc sau, qua đó có thể chinh phục học toán sáng tạo trong bất kỳ môi trường phổ thông nào.

Tại chuyến thăm và làm việc mới đây tại Trường Nam Úc Scotch AGS, phó giáo sư Raymond Sze Nung-sing – Phó trưởng khoa Khoa học, Đại học Bách khoa Hong Kong – đã chia sẻ nhiều bí quyết học toán sáng tạo trong buổi phỏng vấn bên lề.

Đại học Bách khoa Hong Kong đến trường Nam Úc Scotch AGS.
Phó giáo sư Raymond Sze Nung-sing cung cấp nhiều thông tin về những ngành học khoa học tại Đại học Bách khoa Hong Kong khi giao lưu với học sinh Trường Nam Úc Scotch AGS.

Theo Phó giáo sư, học toán sáng tạo có ý nghĩa rất quan trọng khi công nghệ không ngừng phát triển. Đặc biệt, cuộc sống không chỉ có các bài toán “đóng” như trong sách giáo khoa. Thực tế, các vấn đề chúng ta gặp phải thường phức tạp, mở và không phải có một giải pháp giải quyết duy nhất.

Phó giáo sư Raymond Sze Nung-sing cho rằng học toán sáng tạo giúp học sinh rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, tìm ra những giải pháp tối ưu, độc đáo thay vì chỉ đi theo một con đường cố định.

Để học toán sáng tạo, Phó giáo sư Raymond Sze Nung-sing dành một số lời khuyên, đặc biệt gửi đến học sinh Trường Nam Úc Scotch AGS:

Hiểu

Học toán không thể học thuộc lòng. Bản thân học sinh phải tự mình lý giải và hiểu kỹ các khái niệm cơ bản của toán học. Từng bước khi giải một bài toán, học sinh cũng phải hiểu được vì sao: vì sao lại cộng, trừ, nhân, chia 2 số bất kỳ với nhau?

Học sinh tham gia vào lớp học trải nghiệm cùng Đại học Bách Khoa Hong Kong tại trường Nam Úc Scotch AGS.
Học sinh Trường Nam Úc Scotch AGS tham gia buổi thông tin do Đại học Bách khoa Hong Kong tổ chức tại Nam Úc Scotch AGS.

Thay vì chỉ ghi nhớ công thức, học sinh nên dành thời gian để hiểu tại sao công thức đó đúng và công thức này xuất phát từ đâu. Chẳng hạn với định lý Pi-ta-go, học sinh nên hiểu được nguồn gốc của định lý này, cách chứng minh định lý, thay vì chỉ áp dụng một cách máy móc. Khi đó, các bạn sẽ thấy thú vị hơn khi áp dụng vào các bài toán hình học.

Thực hành

Bạn không thể dạy toán nếu chỉ biết lý thuyết. Toán học là môn cần sự rèn luyện thường xuyên. Học sinh cần thực hành nhiều dạng bài tập khác nhau để làm quen với các phương pháp giải khác nhau. Càng giải toán nhiều, học sinh càng củng cố kiến thức và tăng cường khả năng tư duy.

Học sinh nên bắt đầu từ những bài tập cơ bản, sau đó tăng dần độ khó. Phân loại bài tập theo chủ đề như đại số, hình học, phương trình… cũng sẽ góp phần cho học sinh nắm vững từng phần trước khi chuyển sang phần khác.

Không nên “xem thường” những bài tập đã làm. Đôi khi học sinh làm bài tập một lần và hiểu ngay lúc đó nhưng dễ quên sau một thời gian. Lặp lại các bài tập đã làm là cách hiệu quả mà nhiều học sinh giỏi toán nhớ lâu và phát hiện được những hướng giải mới.

Liên hệ thực tế

Không môn khóa học nào gắn liền với thực tế như toán. Chẳng hạn trong nghệ thuật, toán học có mặt các tác phẩm hội họa kinh điển thông qua lý thuyết đối xứng, tỉ lệ vàng… Hay gần gũi hơn chuyện dùng tiền, tính toán chi phí hằng ngày của học sinh, của gia đình cũng chính là toán học.

Trường Nam Úc Scotch AGS chào đón đại học Bách Khoa Hong Kong.
Phó giáo sư Raymond Sze Nung-sing – Phó trưởng khoa Khoa học, Đại học Bách khoa Hong Kong.

Biết áp dụng những kiến thức này vào việc tạo ra các hoạt động ấy, học sinh nhìn nhận toán học từ một góc độ hoàn toàn mới. Khả năng tư duy của học sinh sẽ được cải thiện trên nhiều phương diện bởi suy cho cùng toán học không chỉ là một môn học độc lập, mà còn liên hệ mật thiết với nhiều lĩnh vực khác.

Hỏi

Hãy liên tục hỏi, liên tục thắc mắc. Khi còn thắc mắc, bạn còn động lực để đi tìm lời giải. Đây được xem là cách tiếp cận cốt lõi khi học toán hoặc bất kỳ môn học khoa học nào khác.

Học sinh nên tự đặt câu hỏi cho chính mình khi giải bài toán: “Có cách nào giải quyết bài toán này nhanh hơn không?”, “Tại sao phương pháp này lại hiệu quả hơn?” Nhờ vậy, học sinh phát triển tư duy phản biện và nhận ra những khía cạnh mới của toán học.