“Stress không thể giết chết chúng ta nhưng cách chúng ta đối diện với stress thì có thể”.

Đây là chia sẻ của Thạc sĩ Trần Thị Mỹ Yến về vấn đề nan giải của nhiều cha mẹ trên hành trình nuôi dạy con trong Chương trình Workshop Đặc Biệt “Cha mẹ tỉnh thức” dành cho cộng đồng phụ huynh trường Nam Úc Scotch AGS.

Vai trò làm cha mẹ là một hành trình tuyệt vời nhưng cũng không ít áp lực. Việc cân bằng giữa công việc, gia đình và các mối quan hệ xã hội khiến nhiều bậc phụ huynh cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi.

Vậy làm thế nào để cha mẹ có thể giải tỏa stress hiệu quả, lấy lại năng lượng và tận hưởng cuộc sống?

Quay trở về với tỉnh thức

Khi quay trở về với tỉnh thức nghĩa là chúng ta có thể nhận thức được những gì đang diễn ra bên ngoài và bên trong mình, nhận thức được chúng ta đang stress một cách hợp lý hay vô cớ.

Thạc sĩ tâm lý chia sẻ trong workshop cha mẹ tỉnh thức
Hiểu được bản thân mình stress “vô cớ” hay “hợp lý” sẽ giúp các quý phụ huynh tìm ra giải pháp giải tỏa stress hiệu quả.

Ngay khi chúng ta cảm thấy lo sợ hoặc suy nghĩ quá mức thì chỉ cần ngồi xuống và lắng nghe bên trong mình để xem điều gì đang diễn ra; biểu hiện ở thân, tâm, trí ra làm sao; có những suy nghĩ gì đang bật ra và thôi thúc mình hành động. Đó chính là quá trình thực hiện tỉnh thức.

Tuy nhiên, đừng bao giờ áp đặt bản thân mình phải bình an, phải hạnh phúc, phải tỉnh thức vì như thế là đang tự gây ra stress cho chính mình. Chúng ta nên để mọi chuyện diễn ra một cách tự nhiên và bình tâm quan sát chúng. Nghĩa là khi bình an thì biết bình an, khi bất an thì biết bất an và những nguyên nhân gây ra điều đó là gì.

Khi tập được cách tỉnh thức, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy điều gì thật sự quan trọng với mình. Khi gặp biến cố có thái độ cởi mở, nhẹ nhàng để đón nhận mọi việc sẽ giúp ta thuận lợi vượt qua.

Đối diện với tình huống

Nếu tình trạng stress ở các bậc cha mẹ có dấu hiệu nặng hơn, mãn tính thì quay trở về với tỉnh thức thôi là chưa đủ. Khi đó, chúng ta cần ngồi lại và nhìn nhận những sự việc mà mình không kiểm soát được và cách diễn giải của bản thân về nó. Quan trọng hơn hết, chúng ta cần phải biết điều chỉnh lại mình để biết cái gì đang làm cho mình căng thẳng và cần đối diện với nó ra sao để đưa ra những quyết định sáng suốt nhất.

Đôi khi có những căng thẳng nhỏ được “kích hoạt” thì cần phải được điều chỉnh ngay, tránh tình trạng để lâu ngày dẫn đến stress mãn tính.

Các trò chơi vui nhộn được quý phụ huynh nhiệt liệt hưởng ứng tại Workshop Cha mẹ tỉnh thức.
Phụ huynh trong phần trò chơi được dẫn dắt bởi Thạc sĩ tâm lý Trần Thị Mỹ Yến.

Chăm sóc bản thân

Trong cuộc sống bận rộn, việc chăm sóc bản thân thường bị bỏ qua, đặc biệt là đối với các bậc cha mẹ. Chăm sóc bản thân không chỉ giúp duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần, mà còn tăng cường năng lượng và tinh thần để chăm sóc gia đình tốt hơn.

Một số cách chăm sóc bản thân hiệu quả bao gồm tập thể dục đều đặn, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, thực hành thiền và hơi thở, dành thời gian cho những sở thích cá nhân, xây dựng mối quan hệ tích cực và học cách từ chối những yêu cầu không cần thiết.

Khi chăm sóc tốt cho bản thân, chúng ta sẽ cảm thấy khỏe mạnh, hạnh phúc hơn và có thể chăm sóc gia đình một cách tốt nhất. Hãy nhớ rằng, bản thân chúng ta xứng đáng được yêu thương và chăm sóc.

Làm thế nào khi phải đối diện với điều không thể kiểm soát?

Khi cuộc sống đặt ra những thử thách nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, cảm giác bất lực và căng thẳng là điều khó tránh khỏi.

Bước đầu tiên để đối phó với những điều không như ý là chấp nhận thực tế. Thừa nhận rằng có những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát và cho phép bản thân tập trung vào những gì có thể thay đổi. Việc chấp nhận không có nghĩa là đầu hàng, mà là chúng ta nhận thức được giới hạn của mình và tìm cách làm việc với những gì mình có.

Thạc sĩ tâm lý Trần Thị Mỹ Yến đưa ra lời khuyên cho các bậc phụ huynh.
Thích nghi và chấp nhận bản thân đang gặp stress chính là phương án đầu tiên giúp mở đường cho các cách giải quyết stress hiệu quả.

Bước tiếp theo là thích nghi với tình huống. Đừng nên cố chấp để thay đổi người khác mà chúng ta hãy ưu tiên việc điều chỉnh lại bản thân cho phù hợp với môi trường, điều kiện xung quanh. Theo nghiên cứu cho thấy những người muốn thay đổi người khác là người dễ bị bệnh tâm lý nhất.

Cuối cùng, tránh né là chiến lược sau cùng khi chúng ta hoàn toàn bế tắc và biết rằng bản thân mình hoàn toàn đúng nhưng không thể thay đổi được gì. Đây cũng là giải pháp từ bi với bản thân khi ở trong môi trường độc hại.

Việc giải tỏa stress là một quá trình đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải luôn yêu thương và chăm sóc bản thân để có thể là một người cha, người mẹ tốt nhất.

“Cha mẹ có trách nhiệm chăm sóc cho bản thân trước khi có thể chăm sóc cho con”.

Một trong những chia sẻ nổi bật của Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm, trong Chương trình Workshop Đặc Biệt “Cha mẹ tỉnh thức” dành cho cộng đồng phụ huynh trường Nam Úc Scotch AGS.

Stress là gì?

Stress hay còn được gọi là căng thẳng là một trong những thách thức thức lớn của nhiều bậc cha mẹ khi dạy dỗ và tương tác với con cái.

Stress thường được biết đến là phản ứng tâm sinh lý tự nhiên của cơ thể khi đối diện với áp lực hay các tác nhân nhân gây áp lực. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến nặng nề đến cảm xúc, thể chất và hành vi.

Thạc sĩ tâm lý chia sẻ tại workshop Cha mẹ tỉnh thức trường Nam Úc Scotch AGS.
Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Tâm đồng hành cùng quý phụ huynh đang gặp phải stress khi làm cha mẹ tại Workshop Cha mẹ tỉnh thức.

Tuy nhiên, theo Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm: “Stress còn được hiểu là tình trạng áp lực nhiều hơn nội lực. Vì vậy khi muốn thoát khỏi tình trạng stress thì chúng ta cần tập luyện để đẩy nội lực lên cao hơn áp lực. Việc này cần phải kiên trì thực hành mỗi ngày và được xem như là bài tập thể dục cho tâm trí nhằm tăng sự kiên cường, bền bỉ”.

Dựa trên các nghiên cứu khoa học, mỗi ngày chúng ta chỉ cần vài phút ngồi bình tâm hít thở là não bộ được tái tạo một phần và nạp lại rất nhiều năng lượng. Thế nên việc ngồi tĩnh lặng lắng nghe hơi thở vào buổi sáng và tối là cách vô cùng hiệu quả để chiến thắng áp lực trong cuộc sống.

Các triệu chứng của stress

Stress có thể biểu hiện qua nhiều triệu chứng khác nhau, bao gồm thể chất, cảm xúc và hành vi:

  • Về thể chất: stress thường gây ra đau đầu, mệt mỏi, khó ngủ, tiêu hóa kém, tim đập nhanh, và đau cơ.
  • Về cảm xúc: người bị stress có thể cảm thấy lo âu, buồn bã, cáu gắt, tự ti và khó tập trung.
  • Về hành vi: stress có thể dẫn đến thay đổi trong ăn uống, tăng cường sử dụng chất kích thích, tránh né trách nhiệm, thu mình và hành vi thái quá.

Những triệu chứng này ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể, vì vậy việc nhận diện và quản lý stress là rất quan trọng để duy trì sức khỏe tinh thần và thể chất.

Đôi khi stress rất nguy hiểm và được xem là những “khúc cua” trong cuộc đời. Nhưng nếu chúng ta học được cách tỉnh thức thì sẽ dễ dàng quan sát thấu đáo được sự việc, thấy được chính mình. Điều này không chỉ giúp đưa ra những giải pháp khôn ngoan và cư xử một cách đúng đắn mà còn tránh làm tổn thương bản thân mình và người khác.

Phụ huynh tham gia workshop Cha mẹ tỉnh thức tại trường Nam Úc Scotch AGS.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm chia sẻ cho phụ huynh về cách nhận diện các triệu chứng của stress.

Bên cạnh đó, khi bị stress thay vì không dám đối mặt với căng thẳng thì chúng ta nên tỉnh thức để quan sát sự thay đổi trong cảm xúc, cơ thể của mình và phải học cách yêu thương bản thân mình nhất. Vì khi bản thân mình ổn thì sẽ không gây muộn phiền, lo lắng cho người khác.

Các tác nhân gây stress

Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm chia sẻ có 2 loại tác nhân gây stress: yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài. Các yếu tố bên ngoài bao gồm áp lực công việc, vấn đề tài chính, mâu thuẫn trong mối quan hệ, thay đổi lớn trong cuộc sống, trách nhiệm gia đình và môi trường sống.

Trong khi đó, yếu tố bên trong chỉ là cách suy nghĩ và thái độ phản ứng trước những yếu tố bên ngoài nhưng lại đóng vai trò vô cùng quan trọng. Cách suy nghĩ, diễn giải sự việc là vấn đề then chốt vì có những người khi đối mặt với chuyện rất lớn có thể bình tĩnh vượt qua, nhưng có nhưng người lại dễ dàng nổi giận với chuyện nhỏ nhặt hàng ngày.

Yếu tố bên trong có thể kiểm soát được nhưng yếu tố bên ngoài thì không. Vì vậy, việc tập luyện tỉnh thức để thay đổi góc nhìn, nhận thức là một việc thiết yếu. Khi stress chúng ta nên bình tĩnh quan sát để xem đây là loại stress tích cực hay tiêu cực, là yếu tố bên trong hay bên ngoài và do những tác nhân nào gây ra.

Theo nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng cha mẹ hạnh phúc thì mới có thể tạo ra những đứa con bình an và hạnh phúc. Do đó, các bậc phụ huynh nên học cách yêu thương và từ bi với chính bản thân mình trước khi đảm nhận trách nhiệm chăm sóc sự an lành cho con cái của mình.

Sự căng thẳng khi làm cha mẹ là điều không thể tránh khỏi, nhưng bằng cách nhận diện và quản lý nó một cách hiệu quả, các bậc phụ huynh có thể tạo ra một môi trường gia đình hạnh phúc và lành mạnh.

Qua Workshop Cha mẹ tỉnh thức, Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm mong rằng các bậc cha mẹ có thể hiểu rõ hơn về những nguyên nhân gây căng thẳng và biết ứng dụng tỉnh thức để cùng nhau xây dựng một môi trường gia đình ấm áp, nơi mà cả cha mẹ và con cái đều có thể phát triển một cách tốt nhất.

“Các bậc phụ huynh cần phân biệt giữa việc thực hành tỉnh thức và việc không dám đối mặt với hành vi sai trái của con”.

Đây là một lời khuyên chân thực của Thạc sĩ Trần Thị Mỹ Yến về vấn đề nan giải của nhiều cha mẹ trên hành trình nuôi dạy con trong Chương Trình Workshop Đặc Biệt “Cha Mẹ Tỉnh Thức” Dành Cho Cộng Đồng Phụ Huynh trường Nam Úc Scotch AGS.

Im lặng là tiền đề cho các hành vi sai trái khác của con

Nhiều cha mẹ nghĩ rằng khi con làm sai thì không nên la mắng hay trách phạt để tránh làm tổn thương tâm lý của con. Theo Thạc sĩ Mỹ Yến, mỗi khi con phạm phải sai lầm nếu cha mẹ biết giáo dục đúng cách sẽ giúp con có được những bài học quý giá. Quan trọng hơn hết, con sẽ có nhận thức tốt hơn về phân biệt hành động nào là đúng, hành động nào là sai.

Phụ huynh nghe chia sẻ từ các Thạc sĩ tâm lý tại workshop Cha mẹ tỉnh thức.
Thạc sĩ Trần Thị Mỹ Yến trong buổi workshop ngày 7-7.

Nếu khi con làm sai mà cha mẹ chỉ lặng im, không giải quyết vấn đề một cách triệt để thì con có nguy cơ trở nên vô kỷ luật. Đây còn là tiền đề cho những đứa con khác trong gia đình thực hiện hành vi sai trái. Bởi con sẽ bắt chước theo khi anh chị phạm lỗi nhưng không bị cha mẹ trách phạt.

Hoặc có nhiều cha mẹ chọn cách nóng giận, la mắng con. Việc này có thể giải quyết được bề mặt của vấn đề nhưng gốc rễ vẫn chưa được triệt để hoàn toàn. Ngay lúc đó, con có thể vâng dạ và thỏa hiệp với cha mẹ, nhưng con vẫn chưa thật sự tâm phục. Vì vậy, con sẽ có xu hướng tìm thêm cách khác để thực hiện các hành vi hư hỏng.

Thế nhưng, khi làm cha làm mẹ ai cũng có những lúc bối rối, đôi lúc tự hỏi rằng bản thân mình sai hay con mình sai. Vậy làm sao để phụ huynh biết mình đúng hay sai?

Đề cập đến vấn đề này, Thạc sĩ Mỹ Yến cho biết cha mẹ cần lập ra những ranh giới, hệ giá trị nhất định, cụ thể hơn là nguyên tắc để dẫn dắt mọi thứ vận hành trơn tru trong gia đình mình. Bởi nếu ngay từ đầu phụ huynh không cùng con bàn luận và đưa ra các nguyên tắc thì rất khó để phân biệt đúng sai. Hệ giá trị này cũng được xem là nét đẹp, văn hoá và là cái phải có khi thiết lập gia đình.

Áp dụng thực tập tỉnh thức khi giáo dục con

Cha mẹ tỉnh thức cần ý thức được từng khoảnh khắc với con: đang la rầy con, nhắc nhở con, biết những lời nói và hành động của mình có chính đáng, cần thiết, phù hợp hay không? Giữ thái độ bình tĩnh, kiểm soát cảm xúc giận giữ, cùng con tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp là những điều cha mẹ cần làm khi con phạm lỗi.

Phụ huynh nghe tư vấn 1-1 trong workshop "Cha mẹ tỉnh thức"
Phụ huynh trao đổi về câu chuyện của mình trong chương trình ngày 7-7.

Đặc biệt, để tránh con phạm phải sai lầm không đáng có, phụ huynh cần phải lập nên “gia uy”, nguyên tắc trong gia đình. Theo nghiên cứu, trẻ em 2 tuổi đã có thể có 80% nhận thực so với người lớn thế nên cần dạy con các phép tắc từ khi còn nhỏ. Nhưng các bậc cha mẹ cần lưu ý rằng không nên áp dụng các quy tắc một cách cứng nhắc, ràng buộc, vì như vậy sẽ phạm phải kiểu giáo dục độc tài.

Mỗi lứa tuổi, con sẽ có mức nhận thức và khả năng khác nhau nên cha mẹ cũng cần phải linh hoạt thay đổi các nguyên tắc trong gia đình. Để tránh trường hợp con chống đối, cảm thấy mất tự do thì cha mẹ cần bàn bạc và lắng nghe ý kiến của con khi đặt ra những giới hạn mới.

Đồng thời, phụ huynh nên tạo điều kiện để cả gia đình có buổi “deep talk” cùng nhau trong một khoảng thời gian nhất định. Đây là cơ hội để cha mẹ tâm tình với con thật sâu sắc và gắn kết với nhau nhiều hơn. Cha mẹ nên tắt hết các thiết bị điện tử, tránh để tiếng chuông làm gián đoạn cuộc trò chuyện. Bên cạnh đó, cha mẹ cần phải lưu ý nói đúng chuyện, đúng nơi, đúng lúc và ngắn gọn, sắc bén để con hoàn toàn tâm phục, khẩu phục.

Qua buổi workshop trong chuỗi Chương Trình Workshop“Cha Mẹ Tỉnh Thức”, Thạc sĩ Mỹ Yến mong muốn rằng các bậc cha mẹ nên biết cách áp dụng thực tập tỉnh thức để giáo dục con khi con mắc sai lầm, thay vì chọn im lặng, né tránh. Điều này không chỉ giúp con có nhận thức về phân biệt đúng sai mà còn giúp con cảm thấy được gắn kết hơn với cha mẹ.

“Không điều gì tuyệt vời bằng con cái được cha mẹ lắng nghe một cách trọn vẹn”.

Đó là chia sẻ của Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm, trong Chương Trình Workshop Đặc Biệt “Cha Mẹ Tỉnh Thức” Dành Cho Cộng Đồng Phụ Huynh trường Nam Úc Scotch AGS.

Hệ lụy khi cha mẹ tước đi nhu cầu được tôn trọng của con

Bất kì ai cũng cần được tôn trọng, đây là một loại nhu cầu chung của con người. Vì thế, khi con cái được cha mẹ tôn trọng những quan điểm cá nhân, được lắng nghe trọn vẹn thì con sẽ cảm thấy được yêu thương, được tôn trọng và có giá trị.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm chia sẻ trong buổi workshop Cha mẹ tỉnh thức.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm trong buổi workshop Cha mẹ tỉnh thức ngày 7-7.

Tuy nhiên, trong một nghiên cứu gần đây cho thấy trẻ em ở Việt Nam có chỉ số tự tin thấp hơn nhiều nước trên thế giới. Đó chính là kết quả của việc nhiều cha mẹ còn áp dụng kiểu giáo dục độc tài đối với con. Khi nuôi dạy một đứa trẻ bằng những lời phê phán, áp đặt và tước đi quyền tự do quyết định, con sẽ cảm thấy mình không được tôn trọng và mất tự tin.

Điều này về lâu dài sẽ làm con mất đi khả năng tự bảo vệ bản thân, vì con nghĩ bản thân mình không có giá trị và không xứng đáng được hưởng quyền lợi vốn có. Thậm chí, khi bước vào mối quan hệ hôn nhân con sẽ luôn cam chịu khi là nạn nhân của bạo lực gia đình và nghĩ mình xứng đáng bị như vậy. Việc này xuất phát từ tổn thương trong gia đình từ khi còn nhỏ.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm cho biết, cha mẹ thiếu tôn trọng con là gián tiếp hủy hoại cuộc đời của con, làm con mất đi lòng tự trọng và khiến con không biết cách đặt ra giới hạn để tự bảo vệ mình.

Đồng thời, khi trẻ thiếu sự lắng nghe từ cha mẹ có khả năng cao sẽ trở thành “people pleaser”. Đây là một định nghĩa dành cho người luôn cố gắng làm hài lòng người để được công nhận. Con luôn gồng mình để đáp ứng các yêu cầu của cha mẹ, bạn bè, sau này có thể là đồng nghiệp. Vì con không biết cách và cũng không đủ can đảm để nói lời từ chối, điều này rất nguy hiểm vì có thể khiến con bị “stress” nặng.

Đóng vai nạn nhân cũng là một trọng những hệ luỵ của việc cha mẹ không tôn trọng con cái. Thay vì con cố gắng tìm cách giải quyết khi gặp những bất công, khó khăn trong cuộc sống, thì con trở nên tự ti, chỉ biết than thở, trách móc và toả ra nhiều năng lượng tiêu cực.

Học cách tôn trọng con

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm, cha mẹ cần học cách lắng nghe, tỉnh thức và thấu cảm để nuôi dạy con tốt nhất có thể. Không có gì tuyệt vời hơn khi con được cha mẹ chân thành lắng nghe một cách trọn vẹn. Mỗi ngày phụ huynh nên dành một khoảng thời gian để trò chuyện, tâm sự cùng con.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm trao đổi với phụ huynh bên lề buổi workshop ngày 7-7.

Khen ngợi con đúng lúc cũng là cách giúp con tự tin và cảm thấy luôn được công nhận. Bên cạnh đó, cha mẹ nên cho con cái được quyền tự do quyết định và tôn trọng quyền riêng tư của con. Cha mẹ có thể bắt đầu từ những hành động nhỏ như: gõ cửa khi vào phòng con, không tự ý xem điện thoại của con và luôn quan tâm đến ý kiến của con.

Mỗi người luôn có những điều khác biệt và cha mẹ cần tôn trọng những khác biệt của con. Ví dụ, trong gia đình sẽ có những đứa trẻ hướng ngoại, nhưng cũng có đứa hướng nội. Thay vì luôn chê trách đứa trẻ hướng nội sống khép kín, thiếu hòa đồng, thì cha mẹ nên học cách thấu hiểu và yêu thương con.

Làm cha mẹ đôi khi rất khó và gặp nhiều trở ngại vì không phải ai cũng được học cách làm cha làm mẹ sao cho đúng. Thế nên, mỗi chúng ta cần phải học cách bao dung, từ bi đối với bản thân và đối với con. Khi gặp những điều chưa hài lòng, cha mẹ cần bình tĩnh tìm hiểu gốc rễ của vấn đề và giải quyết. Nếu phụ huynh chỉ trích con thì chỉ càng làm con thêm tổn thương và thiếu hợp tác.

Qua buổi workshop trong chuỗi Chương trình workshop “Cha Mẹ Tỉnh Thức”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm mong muốn rằng cha mẹ nên chú ý hơn đến nhu cầu được tôn trọng của con. Điều này không chỉ giúp con cảm thấy bản thân là một người có giá trị mà còn giúp con biết tự bảo vệ bản thân và luôn tự tin trong cuộc sống.

“Cha mẹ và con cái được ví như cung tên và mũi tên, vững chắc, tập trung nhưng phải rất nhẹ nhàng, mềm mại.”

Hình tượng cung tên và mũi tên trong chia sẻ từ thầy Minh Niệm

Đó là chia sẻ của Thiền sư Minh Niệm, khách mời trong tập 5 chuỗi series “Cha mẹ tỉnh thức” với chủ đề: Trao lại chủ quyền cho con khi chia sẻ về mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái.

“Cha mẹ tỉnh thức” là chuỗi series dài tập được phối hợp sản xuất giữa Vietsuccess và Nam Úc Scotch AGS – trường Úc 100 năm. Nội dung các tập phát sóng xoay quanh về những chia sẻ, trải nghiệm, kiến thức chuyên môn cũng như những góc nhìn thực tế từ các chuyên gia về hành trình làm cha mẹ tỉnh thức đúng nghĩa.

Con mình không hẳn chỉ là con mình

Ắt hẳn ít nhất một lần trong đời, cha mẹ đã từng tự hào với các con về những thành tựu mà mình đã đạt được trong thời niên thiếu. Cha mẹ tự do, tự lo, tự lập, cha mẹ làm được tất cả mọi thứ. Tuy nhiên, đối với con cái, chúng ta lại không muốn con “tự do” như mình vì trong mắt các bậc phụ huynh, các con luôn là những đứa trẻ. Vì lý do đó, nhiều cha mẹ vẫn luôn muốn giữ con bên mình dù đã đến giai đoạn con có thể làm chủ bản thân, vươn ra biển lớn.

Con cái là tài sản quý giá của cha mẹ. Tuy nhiên chúng cũng là thế hệ tiếp nối của nhiều đời đi trước. Chúng không chỉ của riêng cha mẹ mà chúng được bồi đắp từ sự sống của vũ trụ bao la. Cha mẹ có công sinh thành giáo dưỡng, con cũng được hưởng những tinh hoa từ đất trời. Vì vậy, cha mẹ phải nhận ra được rằng con là một phiên bản độc nhất, không phải bản sao của bất kỳ ai. Thế nên, việc trao lại chủ quyền đúng thời điểm để con được sống thật với chính mình là điều vô cùng cần thiết.

“Một con người vốn dĩ có hai nhu cầu cơ bản: mong muốn được yêu thương và mong muốn được tự do. Ở những năm đầu đời, con khao khát tình yêu thương của cha mẹ. Khi dần trưởng thành, con muốn được khai phóng bản thân để sống bằng nhiều giá trị có ích.” – Thiền sư Minh Niệm chia sẻ.

Thầy Minh Niệm trong series tập 5: Trao lại chủ quyền cho con
Trao lại sự tự do cho con là việc cha mẹ cần phải làm và phải chuẩn bị tâm thế đón nhận để con “lớn lên” và sống đúng với mong muốn của chính mình.

Một mũi tên càng nằm lâu trên chiếc cung càng không thể có mục tiêu điểm đến. Đó là lý do tại sao càng đến độ tuổi vị thành niên, các con hăng say khám phá những điều mới, mong muốn sở hữu cho mình những không gian riêng biệt, hay không còn quấn lấy không rời cha mẹ như những năm đầu đời. Tại thời điểm đó, cha mẹ phải nhận thức được con đang mưu cầu sự tự do, cần được bước ra khỏi vùng an toàn của mình để khai phóng bản thân đến những giới hạn mới. Và cha mẹ – những cung tên vững chãi, cần học cách giương cung và “buông tay” để trao trả lại chủ quyền vốn mà chúng thuộc về.

Đừng để tình thương trở thành sự trói buộc

Hầu hết gia đình, đặc biệt là gia đình có con một đều lo lắng về việc trao lại chủ quyền cho con. Thậm chí cha mẹ luôn muốn giữ con bên mình vì lo sợ rằng con dễ sa ngã nếu đi khỏi tầm mắt của cha mẹ. Chia sẻ về vấn đề này, thiền sư Minh Niệm đồng cảm vì đây là nỗi lòng của không ít phụ huynh thời hiện đại. Cuộc sống càng phát triển, cha mẹ càng có nhiều nỗi sợ vô hình với thế giới ngoài kia. Chúng ta sợ con bị ảnh hưởng, sợ con không phát triển tốt hay sợ không yêu thương con đủ nhiều.

“Khi mọi sự tập trung của ta đổ dồn vào con, ta vô tình phớt lờ khu vườn tâm hồn của mình vốn dĩ cũng cần được chăm sóc bởi khi yêu thương con quá mức đồng nghĩa với việc cha mẹ quên mất việc yêu thương chính bản thân mình” – Thiền sư Minh Niệm bày tỏ.

Con cái thường chịu áp lực khi ân tình của cha mẹ với mình quá lớn. Có nhiều đứa trẻ “ngoan” đến mức nhút nhát và không dám đấu tranh đòi lại chủ quyền từ cha mẹ. Chúng sẵn sàng hy sinh khát vọng, hoài bão của bản thân để làm vui lòng đấng sinh thành. Điển hình có những người con muốn sống cuộc sống tự lập, đi du học nước ngoài, hay tính đến chuyện lứa đôi nhưng vì sự ngăn cản của cha mẹ mà chúng đành từ bỏ để làm những người con có hiếu. Điều này dẫn đến việc các em bị mất đi những cơ hội phát triển bản thân, thậm chí đánh mất một vài sự thăng tiến trước những cột mốc quan trọng.

“Không cha mẹ nào muốn con vì có hiếu với mình mà đánh mất cuộc đời của chúng. Sẽ thật tốt nếu con cảm thấy hạnh phúc khi ở lại với cha mẹ. Nhưng đó không nên là bổn phận hay trách nhiệm mà con phải làm” – Thiền sư Minh Niệm nói thêm.

Cha mẹ là cung tên, con là mũi tên.
Trao lại sự tự do cho con là việc cha mẹ cần phải làm và phải chuẩn bị tâm thế đón nhận để con “lớn lên” và sống đúng với mong muốn của chính mình.

Không ai có thể chăm sóc, thương yêu và thấu hiểu mình bằng chính mình. Thế nên, thay vì cha mẹ cứ mãi chạy theo các con và kiểm soát chúng, hãy quay trở về và chăm sóc, tưới mát khu vườn tâm hồn của mình. Hãy tạo cho bản thân những sở thích riêng, những thói quen lành mạnh. Hãy chuẩn bị thật tốt cho hành trình con lớn lên và sẽ rời xa cha mẹ để khám phá những điều mới mẻ. Cho đến một ngày con mong muốn được cha mẹ trao trả lại chủ quyền, cha mẹ sẽ không bị chới với, hốt hoảng vì mình đã có một nền tảng đời sống tinh thần vững chắc.

Cha mẹ là cung tên, con là mũi tên

Trao trả tự do cho con là một hành trình cần được chuẩn bị kỹ lưỡng. Con trẻ có thể đòi quyền tự do, nhưng đôi khi người lớn lại chưa sẵn sàng, và ngược lại. Tuy nhiên, đây là cột mốc cần và phải được diễn ra. Để hiểu được con và cả bản thân mình, cha mẹ nên học cách quan sát mọi thứ.

Đôi khi trong thời thơ ấu, sự thiếu thốn tình thương yêu từ gia đình là nguyên nhân khiến cha mẹ muốn bù đắp cho con. Khi tình thương dồn vào con quá nhiều, chúng ta dễ sinh ra tâm lý đòi hỏi, cho đi nhưng cũng muốn được nhận lại, từ đó áp đặt con và gây nên những vướng mắc không cần thiết.

Với tư cách là một nhà thực hành tỉnh thức, thiền sư Minh Niệm mong muốn các bậc cha mẹ hãy đón nhận một cách tích cực những sự thay đổi trong quá trình đưa lại chủ quyền cho con. Hãy trao truyền cho con những giá trị tốt đẹp như một chiếc cung quý giá được gọt đẽo đêm ngày. Hãy cho con thấy ta là điểm tựa vững chắc, sẵn sàng nghiêm khắc nhưng cũng rất nhẹ nhàng mềm mại, bởi Kahlil Gibran – một đại thi hào cũng đã từng viết rằng:

“Cha mẹ là những chiếc cung để con mình là những mũi tên tiến về phía trước

Vũ trụ cũng là tay cung vĩ đại, cừ phách đưa chúng ta đến hành trình vô tận xa xôi

Và vị ấy cũng đã hết mình uốn cong

Để những mũi tên được bay xa và nhanh nhất

Hãy tận hưởng niềm vui của một tay cung đầy trọng trách

Vũ trụ chắc chắn sẽ mến yêu những mũi tên bay ra và cả những chiếc cung bền bỉ đêm ngày”.

“Một số bậc cha mẹ nghĩ rằng làm cha mẹ không khó vì ngày nay có rất nhiều những khóa học làm cha mẹ.”

Đó là chia sẻ của Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm Nhàn, khách mời trong tập 4 chuỗi series “Cha mẹ tỉnh thức” với chủ đề: Quản trị áp lực làm cha mẹ.

“Cha mẹ tỉnh thức” là chuỗi series dài tập được phối hợp sản xuất giữa Vietsucess và Nam Úc Scotch AGS – trường Úc 100 năm. Nội dung các tập phát sóng xoay quanh về những chia sẻ, trải nghiệm, kiến thức chuyên môn cũng như những góc nhìn thực tế từ các chuyên gia về hành trình làm cha mẹ tỉnh thức đúng nghĩa.

Khi cha và mẹ “không cùng chí hướng”

Tính cách của cha mẹ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ gia đình gốc. Vì thế, khi trưởng thành và có con, cách nuôi dạy con của cha mẹ sẽ phản ánh sự tương đồng từ cách nuôi dạy của gia đình mà mình được sinh ra và lớn lên. Nếu cha mẹ có sự đối lập trong cách nuôi dạy con, điều này có thể gây ra những tác động tiêu cực đến tâm lý của đứa trẻ.

Trước hết, sự thiếu nhất quán trong phương pháp giáo dục giữa cha và mẹ dễ tạo nên không khí căng thẳng trong gia đình, điều này làm cho trẻ bất an và lo lắng. Chúng sẽ thường xuyên cảm thấy mình có nguy cơ bị lôi kéo vào các cuộc tranh cãi của cha mẹ, dẫn đến việc chúng phải chịu đựng và không dám thể hiện tình yêu thương “công bằng” dành cho cả hai bên. Thậm chí, trẻ còn có thể học cách thao túng cha mẹ để đạt được điều mình muốn.

Khóa học làm cha mẹ - nuôi dạy con tỉnh thức.
Cách nuôi dạy con của cha mẹ cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ gia đình gốc.

Đơn cử trường hợp gia đình có một phụ huynh rất nghiêm khắc trong khi người kia lại quá nuông chiều. Cụ thể, người cha luôn khuyến khích con khám phá, trải nghiệm những điều mới, cho con thoải mái với môi trường bên ngoài trong khi người mẹ lại muốn kiểm soát con, không muốn con được tự do ngoài phạm vi quan sát. Vì thế, khi đứa trẻ muốn được ra ngoài, chúng sẽ nương theo cách nuôi của bố, ngược lại nếu muốn ở nhà, chúng sẽ “bám” vào sự nghiêm khắc của mẹ. Từ đó, con dễ hình thành tâm lý “thao túng” lý lẽ để đạt được điều mình muốn, dẫn đến những đứa trẻ không có nguyên tắc sống, tùy hứng, tùy tiện theo bản năng.

Không chỉ vậy, sự đối lập trong cách nuôi dạy giữa cha và mẹ cũng có thể dẫn đến những nhầm lẫn trong tâm lý trẻ nhỏ. Khi các nguyên tắc và kỷ luật của cha mẹ không nhất quán, trẻ sẽ khó biết phải tuân theo quy tắc nào, dẫn đến hành vi bất ổn hoặc phản kháng. Sự nhận thức của một đứa trẻ cần môi trường lành mạnh để các con cảm thấy an toàn và phát triển. Vì thế, nếu cha mẹ không thống nhất được quy tắc trong gia đình, con trẻ dễ cảm thấy mơ hồ và lo âu khi đối diện với cha mẹ. Vậy cha mẹ cần làm gì?

Theo Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm Nhàn, quá trình nuôi dạy con thực sự không dễ dàng và không thể không tránh khỏi việc phát sinh mâu thuẫn. Để giải quyết vấn đề này, cha và mẹ cần hiểu rõ tính cách và mong muốn của cả hai bên để đi đến một phương pháp giáo dục con duy nhất:

Thạc sĩ Tâm Nhàn trò chuyện trong tập 4 Cha mẹ tỉnh thức: Quản trị áp lực làm cha mẹ.
Thạc sĩ Tâm Nhàn cho biết sự đồng thuận trong cách nuôi dạy con của cha và mẹ rất quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bình thường của một đứa trẻ.

“Các bậc cha mẹ cần cùng nhau ngồi xuống, bày tỏ nguyện vọng của nhau, trò chuyện và đối thoại cùng nhau để đi đến một phương pháp chung. Chỉ có như thế, con mới có phát triển tốt theo một cách giáo dục đã thống nhất từ cha và mẹ.” – Thạc sĩ Tâm Nhàn chia sẻ.

Những khóa học làm cha mẹ là giải pháp hiệu quả?

Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, các bậc cha mẹ có thể dễ dàng tiếp cận hàng loạt các khóa học dạy làm cha mẹ trực tuyến. Chúng được thiết kế bởi các chuyên gia với nội dung phong phú, từ bài giảng video, tài liệu đọc, đến các bài tập thực hành. Vì thế, nhiều bậc cha mẹ tin rằng việc tham gia các khóa học này có thể giúp họ trở thành những người cha mẹ tốt. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào các khóa học mà không có sự trải nghiệm thực tế hay luyện tập vẫn dẫn đến những hạn chế trong việc nuôi dạy con.

Đề cập đến vấn đề này, Thạc sĩ Tâm Nhàn cho biết những khóa học giúp chúng ta có thêm kiến thức, thông tin và nhiều phương pháp nuôi dạy con hữu ích. Chúng đóng vai trò như một buổi học lý thuyết. Tuy nhiên, sau khi học, cha mẹ phải là người tự thực hành, tự phát huy vai trò của mình dựa trên những kiến thức đó:

“Nếu chỉ là học để biết, để “cưỡi ngựa xem hoa” thì các khóa học thực chất không thực sự có hiệu quả. Yếu tố tiên quyết là phụ huynh phải có sự trải nghiệm và thực hành từ thực tế để áp dụng chúng vào quá trình nuôi dạy con.” Thạc sĩ Tâm Nhàn chia sẻ.

Khóa học làm cha mẹ liệu có hiệu quả?
Những khóa học làm cha mẹ sẽ khó đạt hiệu quả nếu cha mẹ không luyện tập và thực hành những kiến thức đã học.

Đây chính là khi cha mẹ cần biết tự vấn bản thân, nhìn nhận ra những ưu và khuyết điểm của mình để biết cách điều chỉnh sao cho phù hợp. Đặc biệt, cha mẹ cần hiểu rằng mỗi đứa trẻ đều có tính cách, sở thích và nhu cầu khác nhau. Không có một khóa học, công thức nuôi dạy quy chuẩn nào áp dụng được cho tất cả những đứa trẻ.

Ngoài ra, các bậc cha mẹ cần biết cách thể hiện tình yêu thương phù hợp để tình yêu thương đó không trở thành những đòi hỏi vô lý cũng như những áp lực cho con. Chúng ta luôn tin rằng cha mẹ nào cũng yêu thương con, nhưng điều quan trọng cha mẹ phải tự hỏi con đã cảm nhận được sự yêu thương của mà mình trao gửi như thế nào.

Đa số cha mẹ đều có cái tôi cao và rất giỏi trong việc “giả vờ” trước con cái. Điển hình có những việc cha mẹ không đồng thuận với con nhưng vẫn cố tỏ ra đồng ý, kèm theo những biểu cảm không hài lòng. Việc không thành thật trong vai trò làm cha mẹ ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Ở giai đoạn chưa đủ nhận thức, trẻ sẽ không phân biệt được đúng sai hay hiểu được mong muốn của cha mẹ là gì. Khi quá trình này xảy ra thường xuyên, trẻ dễ mơ hồ, lúng túng và gặp khó khăn trong việc đưa ra những quyết định cho những vấn đề trong cuộc sống.

“Cha mẹ thường có xu hướng nói một đằng làm một nẻo, nói khác nhưng trong lòng nghĩ khác và trông đợi con phải đọc được suy nghĩ của mình. Cha mẹ nên học cách thay đổi và học cách thể hiện cảm xúc thật của mình thay vì bắt con tự hiểu” Thạc sĩ tâm lý Tâm Nhàn nhấn mạnh.

Nuôi dạy con là một quá trình phức tạp và đầy thử thách, đòi hỏi sự kiên nhẫn, tình yêu thương và cả sự hiểu biết. Sẽ là một điều may mắn khi cha mẹ hội tụ tất cả những yếu tố này. Đừng quá trông đợi vào các khóa học dạy làm cha mẹ nếu chỉ dựa vào lý thuyết mà không có sự trải nghiệm và luyện tập những gì đã học. Cha mẹ cần phải không ngừng học tập và trau dồi bản thân để trở thành những người nuôi dạy con tốt, giúp con hạnh phúc và phát triển toàn diện.

“Đôi khi cha mẹ có vấn đề nhưng lại không biết mình có vấn đề.”

Talkshow 4: Quản trị áp lực làm cha mẹ

Một chia sẻ chân thực của Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm Nhàn về những phụ huynh đang có sự bất ổn trên hành trình nuôi dạy con trong tập 4 chuỗi series Cha mẹ tỉnh thức với chủ đề: Quản trị áp lực làm cha mẹ.

Cha mẹ tỉnh thức” là chuỗi series dài tập được phối hợp sản xuất giữa Vietsuccess và Nam Úc Scotch AGS – trường Úc 100 năm. Nội dung các tập phá sóng xoay quanh về những chia sẻ, trải nghiệm, kiến thức chuyên môn cũng như những góc nhìn thực tế từ các chuyên gia về hành trình làm cha mẹ tỉnh thức đúng nghĩa.

Những “căn bệnh tâm lý” thường thấy ở các bậc cha mẹ

Áp lực cuộc sống đôi khi gây ra cho nhiều bậc phụ huynh những nỗi sợ vô hình. Trong đó, sự căng thẳng về công việc, tài chính, nuôi dạy con hay những chuẩn mực từ xã hội ảnh hưởng mật thiết đến thói quen hành xử và tính cách của cha mẹ.

Nhiều bậc cha mẹ rất nóng tính và hay có xu hướng la rầy con nếu con có những hành động không vừa ý mình. Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm Nhàn, đó có thể là do cha mẹ đang gặp tổn thương hay một vấn đề chưa giải quyết được trong quá khứ, hoặc có thể là do thói quen vô thức được hình thành trong cách nuôi dạy con từ gia đình gốc cha mẹ.

“Tính cách của chúng ta ít nhiều đều bị ảnh hưởng từ gia đình gốc. Nếu ông bà ngày trước nuôi con bằng sự trách móc, chỉ trích, la rầy thì cha mẹ sau này sẽ có xu hướng tương tự đối với con”.

Khi cha mẹ là chuyên gia tâm lý của chính mình.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm Nhàn: “Cha mẹ thường có những căn bệnh tâm lý điển hình ảnh hưởng đến quá trình nuôi dạy con.”

Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của con trong suốt độ tuổi trưởng thành. Con dễ trở nên nhút nhát, tự ti, thậm chí phớt lờ và lãng tránh giao tiếp với cha mẹ.

“Không một ai thích bị la mắng. Người lớn chúng ta cũng mong muốn được nhận những lời ngọt ngào. Vì thế, hãy gieo cho con sự điềm tĩnh, dịu dàng bằng những lời nói mang tính xây dựng, dễ nghe. Con trẻ không thể nào đủ trải nghiệm và trưởng thành để thể hiện được như mong muốn của cha mẹ.” – Thạc sĩ Tâm Nhàn chia sẻ.

Một căn bệnh điển hình thứ hai thường thấy ở các bậc phụ huynh đó chính là hay áp đặt con cái. Sự chịu trách nhiệm về tất cả mọi thứ trong gia đình vô tình làm cho cha mẹ trở thành những người đưa ra quyết định. Dần dần, cha mẹ luôn tin rằng những quyết định của mình là đúng và cha mẹ có xu hướng bỏ qua việc lắng nghe con trẻ.

Nhiều bậc phụ huynh áp đặt con tuyệt đối vì họ không muốn con mắc bất kỳ sai lầm nào. Họ vẽ sẵn mọi thứ để con đi theo mặc kệ con có muốn hay không. Trong sự phát triển tâm lý bình thường của đa số trẻ vị thành niên, trẻ có xu hướng thích làm theo ý mình. Đó là lý do vì sao một vài đứa trẻ thể hiện sự chống đối mạnh mẽ với cha mẹ, gây nên những đứt gãy khó hàn gắn trong gia đình.

“Gia đình muốn thấu hiểu nhau thì phải tương tác và trò chuyện cùng nhau. Vì thế, cha mẹ hãy tập kiềm chế “sự gia trưởng” của mình để lắng nghe mong muốn của con. Đó chính là cách làm giảm áp lực cho cha mẹ lẫn cho con trẻ” – Thạc sĩ Tâm Nhàn cho biết.

Cha mẹ đôi khi cũng cần đến những chuyên gia tâm lý

Đôi khi cha mẹ có vấn đề nhưng không nhận ra vấn đề của mình, đặc biệt là những vấn đề trong quá trình nuôi dạy con. Vì thế, việc nhận lời khuyên từ các chuyên gia tâm lý có thể sẽ giúp cha mẹ tự tháo gỡ được những nút thắt trong lòng để có những điều chỉnh sao cho phù hợp.

“Một trong những dấu hiệu mà cha mẹ cần đến sự giúp sức của chúng tôi đó chính là khi trong gia đình bị ngắt kết nối và mất đi sự đối thoại.” – Thạc sĩ Tâm Nhàn chia sẻ.

Nguyên nhân dẫn đến điều này chính là những thành viên không thực sự lắng nghe, thấu hiểu cho nhau, làm cho sự vận hành trong gia đình không còn vui vẻ. Điển hình là cha mẹ hay nói chuyện với con theo cách bạo lực, ra lệnh. Con cái không hài lòng nhưng không bày tỏ sự chống đối. Chúng trở nên im lặng, chịu đựng và xa cách với cha mẹ.

Khách mời và host chương trình trong tập 4 series Cha mẹ tỉnh thức.
Mất đi sự đối thoại là dấu hiệu điển hình khiến các bậc cha mẹ tìm đến chuyên gia tâm lý.

Điều này dẫn đến nhiều hệ quả trong phát triển tính cách của con lẫn xây dựng sợi dây liên kết bền chặt giữa các thành viên trong gia đình. Khi con gặp những chuyện bất như ý trong học tập lẫn cuộc sống, cha mẹ sẽ không phải là người mà con tìm kiếm sự giúp đỡ. Vì vậy, cha mẹ rất khó để biết được con đang gặp vấn đề gì cũng như không thể có những can thiệp kịp thời nhằm hỗ trợ con khi cần thiết.

Để giải quyết tình huống này, phương án mà thạc sĩ Tâm Nhàn đưa ra chính là đối thoại. Đối thoại có thể chia thành hai loại: đối thoại có lời và đối thoại không lời. Những cuộc đối thoại thường đi đến một mục tiêu duy nhất, đó chính là cả hai phía đều cảm nhận được sự quan tâm. Vì thế, đối thoại không lời thường sẽ đi đôi với hành động.

“Đôi khi cha mẹ không cần nói quá nhiều, những hành động quan tâm nhỏ nhặt của cha mẹ đều được con quan sát và cảm nhận. Cha mẹ có thể nấu cho con những bữa ăn ngon, ở bên cạnh lắng nghe con, quan sát con chơi đùa, hay mua cho con một món quà mà con thích. Tất cả những điều đó đều xuất phát từ tình yêu thương mà chắc chắn đứa con nào cũng sẽ cảm nhận được.” – Thạc sĩ Tâm Nhàn nhấn mạnh.

Khi cha mẹ là “chuyên gia tâm lý” của chính mình

Việc xây dựng một gia đình “khỏe mạnh” không chỉ cần sự giúp sức từ những yếu tố bên ngoài mà còn là từ nội tại bên trong các bậc phụ huynh. Nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần chính là một trong những cách mà cha mẹ cần làm để giúp mình chữa lành những “căn bệnh tâm lý” đã mắc phải.

Lời khuyên của chuyên gia dành cho cha mẹ là chính cha mẹ cần biết mình có điểm mạnh nào cần phát huy và điểm yếu nào cần khắc phục. Đặc biệt, cha mẹ phải có sự hiểu biết để nhìn nhận đúng sai, đồng thời nên có sự luyện tập để dạy con một cách đúng đắn.

Quản trị áp lực làm cha mẹ như thế nào?
Chuyên gia tâm lý chỉ là người đưa ra phương pháp và chỉ dẫn, chính cha mẹ mới là những người tự “chữa trị” cho bản thân mình.

Hiểu được tâm lý con trẻ không khó bởi cha mẹ cũng từng là những đứa trẻ. Hãy hồi tưởng lại những gì cha mẹ đã trải qua ở tuổi thơ, mong muốn của chúng ta ở từng giai đoạn là gì. Từ đó, cha mẹ sẽ có sự lường trước những mong muốn của con ở từng giai đoạn trưởng thành cụ thể, cũng như không bị ngỡ ngàng trước những phản ứng của con trẻ trong quá trình nuôi dạy con.

“Muốn làm được tất cả điều đó, cách duy nhất là cha mẹ phải tự thực hành. Sự nóng tính, bạo lực, áp đặt, la mắng con,… đều có thể thay đổi được nếu cha mẹ tập kiềm chế, tập điềm tĩnh và tập kiểm soát chúng mỗi ngày.” – Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm Nhàn cho biết.

Bên cạnh đó, thay vì luôn tập trung vào con, cha mẹ hãy dành thời gian cho bản thân, gặp gỡ bạn bè, xin lời khuyên từ những người đi trước, đồng thời có sở thích cá nhân phong phú như trồng cây, đọc sách, luyện tập thể thao. Đây sẽ chính là những “nguồn lực” quý báu góp phần giúp cha mẹ chữa lành những căn bệnh tâm lý, đồng thời có thêm kiến thức nuôi dạy con đầy giá trị.

“Doing nothing is doing something
Không làm mà như làm, đó mới là nghệ thuật nuôi con.”

Một trong những chia sẻ nổi bật của Thiền sư Minh Niệm dành cho các bậc phụ huynh khi nói về cách nuôi dạy con hiệu quả trong trong series Cha mẹ tỉnh thức tập 3 với chủ đề: Cha mẹ cũng cần trưởng thành.

Nghệ thuật nuôi con từ Thiền sư Minh Niệm

“Cha mẹ tỉnh thức” là chuỗi series dài tập được phối hợp sản xuất giữa Vietsuccess và Nam Úc Scotch AGS – trường Úc 100 năm. Nội dung các tập phá sóng xoay quanh về những chia sẻ, trải nghiệm, kiến thức chuyên môn cũng như những góc nhìn thực tế từ các chuyên gia về hành trình làm cha mẹ tỉnh thức đúng nghĩa.

Sự chủ quan của cha mẹ đến từ những lần vô thức

Nhiều bậc phụ huynh tự tin rằng vì mình là người sinh ra con nên mình rất hiểu con, chỉ cần thoáng nhìn qua cũng biết con nghĩ gì, con muốn làm gì. Điều này rất phiến diện. Ta có thể ở với con đủ lâu để hiểu phần nào về tính cách và con người của con. Thế nhưng, để hiểu hoàn toàn tâm tư, tình cảm của con tuyệt nhiên là điều không thể. Cách duy nhất để cha mẹ làm được điều đó chỉ có thể là ngồi xuống và lắng nghe con.

Cha mẹ có những vấn đề của riêng mình, con cái cũng vậy. Rất nhiều cha mẹ than phiền rằng sao con có thể có vấn đề trong khi cha mẹ đã cho con tất cả mọi thứ. Đây chính là sự chủ quan của cha mẹ. Điều này tạo ra bức tường vô hình ngăn cách sự kết nối giữa cha mẹ và con cái. Bọn trẻ không thể mở lòng chia sẻ khi biết sẽ nhận lại sự phán xét, chỉ trích và giáo điều của đấng sinh thành. Thế nên, để hành trình nuôi dạy con dễ dàng, cha mẹ phải là nơi thực sự an toàn để con gửi gắm những tâm tư.

Nghệ thuật nuôi con là lắng nghe
Lắng nghe con cũng là một nghệ thuật, cha mẹ phải biết lắng nghe thật sâu, thật thấu đáo.

“Muốn thương đúng thì phải hiểu đúng, muốn hiểu đúng thì phải lắng nghe sâu. Cha mẹ không cần cố làm những điều quá lớn lao, đôi khi điều con cần chỉ là cha mẹ thật tâm, chân thành lắng nghe mọi điều con nói.” – Thiền sư Minh Niệm chia sẻ.

Mở rộng thêm về vấn đề này, Thiền sư Minh Niệm đã có những lời khuyên chân tình đến các bậc cha mẹ. Nếu như trước đây, ta không thể cùng con ngồi nói chuyện cùng con, thì hãy thực hành ngay điều đó. Nếu như trước đây, ta chỉ giao tiếp với con vài ba câu thì hôm nay hãy dành thời gian để lắng nghe câu chuyện của con nhiều hơn. Hãy lắng nghe một cách thành khẩn và thật tâm, con sẽ dần dần trở thành “đồng minh” của chính cha mẹ.

“Doing nothing is doing something”

Khi không thể tiếp cận con theo ý mình muốn, cha mẹ thường có xu hướng tìm hết cách này đến cách khác để kiểm soát con. Dù xuất phát từ tình thương nhưng nếu yêu thương không đúng cách sẽ tiềm ẩn những mối nguy hại, ảnh hưởng đến tâm lý con sau này. Vậy làm thế nào để cha mẹ có thể bước vào thế giới của con? Làm thế nào để cha mẹ được con chào đón?

Nuôi dạy con là một nghệ thuật. Trên hành trình này, để biến áp lực thành động lực, cha mẹ phải biết tận hưởng thiên chức của mình. Thay vì chú trọng vào việc phải giáo dục con, phải dạy bảo con thì cha mẹ hãy cho bản thân thời gian, dừng lại và đừng làm gì cả. Hãy chỉ nhẹ nhàng ở cạnh con, chuyện trò, thậm chí là lặng thinh quan sát. Đôi lúc, cha mẹ cần hóa thân vào nhiều vai trò ở những khía cạnh khác nhau trong cuộc sống của con. Khi con muốn vui đùa, cha mẹ sẽ là bạn cùng chơi, hay khi con cần cần lời khuyên, cha mẹ sẽ là nhà tư vấn.

Doing nothing as doing something
Không phải áp đặt, phán xét, hay giáo điều, mà đừng làm gì cả đôi khi chính là cách giáo dục con hiệu quả nhất.

“Mặt khác, để thành công trên hành trình nuôi dạy con, cha mẹ nên bỏ xuống cái tôi uy quyền, hoặc là tạm thời ẩn nó vào trong, không đòi hỏi, cũng đừng phán xét. Nếu cha mẹ ổn thì tâm trí phải vững vàng hơn con. Nếu cái tôi lớn thì trái tim đóng lại, cái tôi bé thì trái tim mở ra.”

Đây cũng là là lý do vì sao sự thực hành vô cùng quan trọng. Cha mẹ phải luyện tập mỗi ngày. Bởi sự tỉnh thức là một quá trình luôn tiếp diễn và thay đổi bản thân từ những lần ta sai lầm trong vô thức. Cha mẹ cần nhớ rằng nếu cái tôi lớn thì trái tim đóng lại, cái tôi bé thì trái tim mở ra. Mà trái tim của cha mẹ nhất định phải rộng lớn hơn những đứa con của mình.

Không làm gì cả không có nghĩa là trốn tránh vấn đề

“Doing nothing” khác với việc cha mẹ chạy trốn những nỗi sợ hãi hay những vấn đề của mình, vì đấy không phải là cách nuôi dạy con.

Mỗi cá nhân đều được vũ trụ ban cho khả năng tự khai phóng. Nếu mối quan hệ giữa mình và con cái đang bất thường, một trong hai phía nên thay đổi. Đặc biệt, người lớn sẽ là người phải làm gương để khai phóng những cách thức cũ, những nhận thức lỗi thời để trở thành phiên bản tốt hơn trước mặt con trẻ.

“Cha mẹ phải biết khai phóng bản thân, thoát khỏi sự mông muội, nhìn ra được những yếu kém, khuyết điểm của mình để từ bóng tối bước ra ánh sáng. Đó là khi cha mẹ thoát ra khỏi những giới hạn tầm thường để bước lên những vị trí phi thường hơn.” Thiền sư Minh Niệm nhấn mạnh.

Ngày nay, muốn nuôi dạy con tốt, các bậc phụ huynh phải trở thành những nhà tâm lý giỏi. Cha mẹ phải học tập và nâng cấp để trở thành người của thời đại mới, dùng những kiến thức mới để đối xử với con. Đồng thời cha mẹ cũng phải hiểu bản thân mình có những khúc mắc hay bảo thủ điều gì.

Sau cùng, “Lạt mềm mà buộc chặt”. Các bậc phụ huynh hãy biết tận hưởng vai trò làm cha mẹ, học nghệ thuật nuôi dạy con linh động và uyển chuyển. Khi cha mẹ đã hóa thân được đa dạng nhân vật và được bước vào trong thế giới của con, cha mẹ sẽ thấy các con đã dạy ta rất nhiều thứ, con giúp ta hoàn thiện bản thân, và con là một món quà tuyệt vời.

Thấu hiểu tâm lý con theo từng lứa tuổi

“Cha mẹ thường nhân danh tình yêu thương con để làm mọi thứ theo ý mình”.

Đó là chia sẻ của Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm, khách mời đặc biệt trong số phát sóng thứ 2, chuỗi series “Cha mẹ tỉnh thức” với chủ đề: Thấu hiểu tâm lý con theo từng lứa tuổi, series được sự hợp tác tổ chức giữa Vietsuccess và Nam Úc Scotch AGS – trường Úc 100 năm.

Cách dạy con theo chế độ độc tài

Đa số cha mẹ người Việt thời xưa thường dạy con theo kiểu độc tài. Cha mẹ luôn áp đặt, khống chế hay có những luật lệ cứng nhắc dành cho con mà không có bất kỳ lý lẽ hay sự giải thích nào. Điều này làm cho các con cảm thấy bị dồn nén, tứ đó con có sự chống đối, phản kháng một cách tiêu cực.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm, điều gây nên tổn thương sâu sắc trong mỗi đứa trẻ chính là sự chỉ trích, đánh giá và so sánh con mình với con nhà người ta. Các bậc phụ huynh nghĩ rằng khi con cảm thấy xấu hổ, con sẽ tự giác thay đổi và có động lực phấn đấu hơn, nhưng đó là quan niệm sai lầm. Chỉ trích hay so sánh chỉ làm con tự ti và nhút nhát bởi con không có niềm tin vào chính bản thân mình.

Dạy con theo chế độ độc tài
Dạy con theo chế độ độc tài tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến tâm lý và tính cách của con sau này.

Những đứa trẻ “hấp thụ” chế độ dạy con độc tài của cha mẹ khi lớn lên sẽ không thể hình thành năng lực giải quyết vấn đề. Nguyên do là vì tất cả quyền quyết định thuộc về cha mẹ, con không được phép can thiệp hay nói lên chính kiến của mình. Vì thế, con trở nên sống khép kín, thụ động, thiếu tự tin cũng như sợ đối mặt với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Thế nên, nếu cha mẹ học được cách nuôi dạy con tỉnh thức, cha mẹ sẽ đồng thời xây dựng cho con chỉ số thông minh cảm xúc cho con và cả cho mình.

Nuông chiều không phải lúc nào cũng tốt

Nhiều phụ huynh không áp đặt hay dùng những biện pháp độc tài với con, song họ lại nuông chiều con quá mức. Khi cuộc sống ngày càng phát triển, cha mẹ luôn muốn dành cho con những điều tốt nhất. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc cha mẹ phải đáp ứng mọi nhu cầu của con. Bởi nếu những nhu cầu đó vượt quá khả năng của cha mẹ, chúng sẽ trở thành áp lực nặng nề cho sự kết nối giữa cha mẹ và con cái. Các con dễ trở nên dựa dẫm, hạch sách và đòi hỏi. Hệ quả sẽ tạo ra những đứa trẻ ích kỷ, nhẫn tâm chỉ biết nghĩ cho bản thân mình.

Thấu hiểu tâm lý con theo từng lứa tuổi - dạy con theo chế độ độc tài
Nuông chiều quá mức sẽ tạo ra những đứa trẻ nhẫn tâm, tích kỷ – theo Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm.

Không những thế, khi con đã quen với sự nuông chiều, con sẽ không thể giữ kỷ luật và dần mất đi tinh thần trách nhiệm vì sự “muốn gì được nấy. Đặc biệt, con khó xây dựng được những mối quan hệ xã hội chất lượng vì “xã hội” không giống như gia đình, không thể nuông chiều con như con mong muốn.

Thế nên, việc áp đặt, thể hiện uy quyền với con bằng biện pháp độc tài hay bao bọc, nuông chiều con quá mức đều không tốt cho con. Chính vì vậy, trong quá trình dạy con, cha mẹ phải đảm bảo rằng mọi lời nói hay mọi hành động cha mẹ làm đều phải được truyền đạt đến con một cách chính xác nhất để con không tự mình diễn dịch sai ý muốn của cha mẹ.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm cho biết người lớn thường có thói quen đưa ra mệnh lệnh mà không cần con hiểu, chỉ cần con phải làm theo. Điều này tạo cho con thói quen gia trưởng khi lớn lên và thích áp đặt người khác. Cha mẹ đặt ra luật lệ gì, thông điệp gì thì cần phải giải thích để con hiểu ý của mình.

Tự nhận thức và tự điều chỉnh

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm, một trong những cái khó của việc nuôi dạy con là cha mẹ phải có năng lực tự quản chính mình. Nếu nói theo khái niệm tỉnh thức, cha mẹ phải biết tự nhận thức và tự điều chỉnh, đặc biệt là học cách quản lý cảm xúc trong mọi việc. Để có được điều này, cha mẹ phải rất kiên trì nhẫn nại bởi đây là một quá trình rèn luyện không của riêng ai.

Thấu hiểu tâm lý con theo từng lứa tuổi - dạy con theo chế độ độc tài
Tự nhận thức và tự điều chỉnh là hai năng lực quan trọng để trở thành những bậc cha mẹ tỉnh thức.

“Khi cha mẹ chấp nhận theo trường phái tỉnh thức, giai đoạn đầu sẽ khá vất vả vì chúng ta phải nhẫn nại chỉ bảo, phải giải thích với con từng chút một. Nếu con chưa hiểu, mình phải biết dừng lại để phân tích đúng sai với con thay vì la mắng hay sử dụng những biện pháp bạo lực.” – Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm cho biết.

Quản lý cảm xúc là điều rất quan trọng. Một người cha, người mẹ tỉnh thức sẽ là người cần có “cái đầu lạnh” cũng như một chỉ số thông minh cảm xúc đủ cao để biết cách hành xử sao cho phù hợp với con theo từng độ tuổi. Đến khi hiểu được sự tỉnh thức, cha mẹ sẽ nhận ra rằng chúng ta nên nuôi dạy con một cách dân chủ, mà cái chính yếu nhất chính là phải có sự tôn trọng dành cho con.

Cha mẹ có thể gắn kết hơn với con mỗi ngày bằng cách lắng nghe ý kiến của con, chân thành chia sẻ cùng con, đàm phán với con khi cần thiết cũng như tôn trọng ước muốn, giấc mơ của con. Nếu cha mẹ có những bất ổn về tâm lý hay bị chi phối bởi quá nhiều thứ xung quanh, hãy dừng lại, trở về với chính mình và giải quyết vấn đề của mình trước khi quay trở lại vai trò làm cha mẹ.

Khi được đối xử một cách dân chủ dân chủ, con bước ra ngoài xã hội, con cũng biết cách đối nhân xử thế với người khác, được mọi người yêu quý và tôn trọng. Điều này góp phần tạo nên một đứa trẻ tự tin và hạnh phúc.

“Cha mẹ không nên nhân danh tình yêu thương mà làm mọi thứ theo ý mình. Bất kỳ mối quan hệ nào cũng đều cần sự yêu thương chân thành và thấu hiểu thực sự. Hạnh phúc của một người làm cha mẹ là nhìn thấy con có thành nhân và thành công hay không. Vì thế, cha mẹ hãy là những người dẫn đường, những người đồng hành có hiểu biết để giúp con được là chính con và thành công trên con đường của mình chính.” – Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Tâm nhấn mạnh.

“Cái khó của nghề làm cha mẹ là dạy bảo con, nhưng cái khó hơn chính là đừng dạy bảo chúng”.

Làm cha mẹ - phụ huynh dạy con đúng cách là như thế nào

Đó là chia sẻ của Thiền sư Minh Niệm, khách mời trong số phát sóng đầu tiên của chuỗi talkshow Cha mẹ tỉnh thức với chủ đề: “Làm cha mẹ đâu dễ” khi nói về những kỳ vọng mà cha mẹ thường áp đặt lên con của mình.

Con cái là một phiên bản riêng biệt

Chúng ta đã bao giờ từng tự hỏi liệu mình có nhìn thấy giá trị của con? Người xưa có câu “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Theo Thiền sư Minh Niệm, con mình đôi khi “không phải con mình” mà nó còn là con của ông bà tổ tiên, của đất trời, và của vũ trụ bao la rộng lớn. Con chính là sự kết hợp của nhiều thế hệ để nhào nặn ra một phiên bản duy nhất. Thế cho nên, con cái tuyệt nhiên không thể là bản sao của cha mẹ.

Vì vậy, khi đặt để con vào một một sự kỳ vọng hay bất kỳ điều gì, cha mẹ cần phải cân nhắc rất kỹ, rằng điều này có thực sự phù hợp với con mình hay không. Tình thương phải đi đôi với sự hiểu biết.

Các bậc cha mẹ ngày nay thường có quá nhiều sự đòi hỏi dành cho con cái. Theo thiền sư, những kỳ vọng đó có thể bắt nguồn từ những giấc mơ vẫn còn dang dở của cha mẹ, hay cha mẹ có quá nhiều nỗi sợ hãi do sự thiếu điềm tĩnh và thiếu hiểu biết. Chúng ta rất nóng vội nhìn thấy sự thay đổi nhanh chóng từ con theo mong muốn của mình. Chúng ta bắt ép con phải trở thành con nhà người ta hay bất kỳ hình mẫu lý tưởng mà chúng ta tự tạo ra. Suy cho cùng, cha mẹ vẫn chưa hiểu rằng các con là những cá thể riêng biệt.

Làm cha mẹ như thế nào cho đúng
Trong vai trò làm cha mẹ, các bậc phụ huynh phải hiểu rằng con cái là những phiên bản riêng biệt và duy nhất.

Thiền sư còn cho rằng nhiều bậc cha mẹ vẫn còn thiếu trải nghiệm trên hành trình làm cha mẹ, không hiểu được tâm tình của các con dù mình đã từng đi qua độ tuổi của chúng. Thế nên, để thấu hiểu con và kết nối được với con, cha mẹ cần phải rất khiêm nhường và thận trọng trong việc tác động vào con bằng lời nói, hành động, hay cả những quyết định. Nếu mình làm không đúng, mình cẩu thả, thiếu trách nhiệm thì có thể gây ra cho con cảm giác choáng ngợp, tổn thương và mệt mỏi. Đặc biệt, mong muốn của thiền sư là các bậc phụ huynh đừng gây cho con sự uất hận nếu trao đi tình thương không đúng cách. Tất cả mọi thứ cha mẹ làm đều cần dựa trên sự tỉnh thức, thời điểm và tính phù hợp đối với con.

Khi dần hiểu được khái niệm của sự tỉnh thức, cha mẹ sẽ biết kiềm chế sự nóng giận và học cách quan sát thế giới đang vận hành xung quanh. Các bậc phụ huynh sẽ nhận ra rằng trân trọng vai trò làm cha mẹ của mình, bớt đòi ở các con, bớt đi sự phán xét và áp đặt chính là cách chúng ta có thể nuôi dưỡng tình yêu thương với con cái.

Vì sao “đừng dạy bảo” con là điều khó nhất trong vai trò làm cha mẹ?

“Các con thường hay sợ ăn cơm chung với các bậc phụ huynh vì chúng ái ngại phải đối diện với những mong muốn “khó chiều” của cha mẹ.”

Một chia sẻ rất chân thật mà thiền sư Minh Niệm đề cập khi nói đến những mong muốn rất “trời ơi đất hỡi” của đấng sinh thành. Các bậc cha mẹ thường có xu hướng can thiệp sâu và cố gắng bắt con thay đổi sao cho hợp ý mình với lý lẽ mình là người lớn, con buộc phải nghe theo.

Việc cố gắng hướng con theo mọi sự sắp xếp, kế hoạch của cha mẹ, hay thậm chí mong muốn con phải có trách nhiệm nhận hết những thứ mà cha mẹ trao đi thực chất chính là những quan niệm cũ kỹ. Xét trên phương diện của một người tỉnh thức, thiền sư khuyên các bậc cha mẹ nên bỏ những suy nghĩ có phần lỗi thời ấy, thay vào đó hãy giúp con khai phóng những gì con đã và đang có trong chính bản thân con.

Làm cha mẹ, tưởng khó mà dễ, tưởng dễ mà khó
Khi yêu thương đủ đầy, cha mẹ không cần làm gì để dạy bảo con, con sẽ tự biết cần phải làm gì để tốt hơn.

Đôi khi điều cha mẹ cần làm chính là có mặt bên con, chia sẻ và nuôi dưỡng tình cảm dành cho con. Điều này sẽ tiếp thêm cho con rất nhiều động lực, từ đó con biết cách vươn lên trong cuộc sống. Khai phóng ở trường hợp này được hiểu là cách cha mẹ giúp khơi gợi, thắp lên trong con những hạt giống tốt đẹp có sẵn trong con, để con tự nhận thức và tự thay đổi thay vì áp đặt và phán xét. Đến độ tuổi trưởng thành nhất định, con sẽ tự biết mình cần phải làm gì. Hãy cứ để cho con là chính con theo cách tự nhiên nhất bởi không can thiệp chính là giúp đỡ, không làm gì chính là đã dạy bảo con.

Liên hệ với thực tế, ta sẽ thấy rằng cha mẹ càng đặt nặng trách nhiệm hay những kỳ vọng lên con, con càng khó độc lập tự chủ và khó tìm kiếm hạnh phúc trên hành trình trưởng thành của mình. Vì thế, nếu cha mẹ có thể nhìn nhận đúng và buông bỏ những mong muốn không phù hợp thì gia đình sẽ rất hòa thuận, con cái sẽ biết cách ứng xử đúng đắn và ngày càng gắn bó hơn với đấng sinh thành.

Yêu thương con chính là cách dạy con tốt nhất

Lời nói dễ nghe nhất không phải là lời nói ngọt ngào, mà chính là lời nói xuất phát từ trái tim. Muốn dạy bảo con dễ dàng, cha mẹ phải đi từ trái tim và tình yêu thương thật sự.

Trở về ngày xưa một chút, khi chưa phải sống trong thế giới phẳng, chúng ta rất dễ dàng xây dựng các mối liên hệ tình cảm với nhau. Vì sao ư? Bởi chúng ta ít bị sao nhãng bởi mọi thứ xung quanh mình. Cha mẹ cũng là những con người bình thường, có ước mơ và những lý tưởng. Cha mẹ cũng sẽ không thể có đủ năng lượng để cùng lúc tập trung quá nhiều việc, mà việc nuôi dạy con cái vốn dĩ là điều cha mẹ cần phải học và cần dồn nhiều tâm sức đầu tư. Để làm được điều đó, quan trọng nhất là cha mẹ cần phải có ý thức trong tâm tưởng, biết yêu thương đúng cách, trân quý vai trò của mình và thời gian dành cho con.

Cha mẹ yêu thương con
Vai trò to lớn của nghề làm cha mẹ chính là yêu thương con, đó là động lực để các con tìm thấy hạnh phúc.

“Chúng ta cần có sự kết nối với con bằng sự yêu thương, cảm thông trước khi mong cầu ở con bất kỳ điều gì. Khi chúng ta biết nói một cách dịu dàng, cẩn trọng và mềm mỏng, con sẽ mở lòng và lắng nghe”, thiền sư Minh Niệm nói.

Muốn thương đúng thì cha mẹ phải hiểu đúng. Đừng can thiệp, đừng điều khiển và đừng áp đặt con khi chính mình không ổn. Nếu nhận thấy mình đang có vấn đề, cha mẹ tốt nhất đừng nên làm gì cả, hãy thuận theo tự nhiên và chỉ trở lại với vai trò của mình khi đã thực sự ổn định cảm xúc.

Đặc biệt, thiền sư cho biết cha mẹ cần nhận thức sâu rộng hơn rằng khi chúng ta muốn trao đi điều gì đó, hãy tìm hiểu tâm tư của con. Thực chất chúng ta có thể yêu thương, quan tâm, chăm sóc cho con là do con “đã cho phép” cha mẹ được làm điều đó.

“Sinh con ra thì cũng khó, nhưng để có thể trở thành những bậc cha mẹ khiến con cái vừa biết ơn, vừa yêu thương, vừa tự hào vì chúng ta là cha mẹ của chúng khi trao truyền cho chúng hành trang quý giá để vào đời thì thực sự rất khó. Nếu chúng ta khát khao và muốn thay đổi, chúng ta sẽ làm được”

Lời bộc bạch của thiền sư Minh Niệm như thay cho lời kết của tập phát sóng đầu tiện chạm đến trái tim của nhiều khán giả. Làm cha mẹ đâu có dễ, nhưng nếu chúng ta có khát khao được trở thành những bậc cha mẹ tốt, phấn đấu để dần hoàn thiện bản thân để trở thành những cha mẹ hạnh phúc trên hành trình nuôi dạy con, chắc chắn chúng ta sẽ là người bạn đồng hành tuyệt vời nhất của con trên con đường trưởng thành.