Nhu cầu hội nhập quốc tế cùng mong muốn tiếp cận nền giáo dục chất lượng cao khiến các chương trình tú tài quốc tế như A-Level ngày càng trở nên phổ biến. Được cung cấp bởi hệ thống giáo dục Anh Quốc, chương trình này nổi bật bởi tính học thuật chuyên sâu, là bước đệm quan trọng giúp học sinh bước vào đại học.

Chương trình A-Level là gì

Vậy chương trình A-Level là gì? Cấu trúc lộ trình học và lợi ích của tấm bằng tú tài này ra sao? Bài viết này sẽ phân tích các khía cạnh chi tiết của chương trình A-Level để cung cấp cái nhìn toàn diện cho các bậc phụ huynh và học sinh về một trong những chương trình tú tài chất lượng và uy tín.

Chương trình A-Level là gì?

Chương trình A-level (Advanced Level) là chứng chỉ trung học phổ thông bậc cao dành cho học sinh từ 16-19 tuổi ở các trường học tại Anh, Xứ Wales và Bắc Ireland.

Kỳ thi này được tổ chức bởi các hội đồng khảo thí được chính phủ Anh phê duyệt như Edexcel (thuộc Pearson), AQA, OCR, và CIE (Cambridge International Examinations).

Chứng chỉ này được chấp nhận tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, tương tự với bằng tốt nghiệp lớp 12 tại Việt Nam. Về tổng quan, A-level tập trung vào việc phát triển các kỹ năng tư duy, kiến thức chuyên sâu trong các lĩnh vực học thuật như Toán học, Khoa học, Văn học, Xã hội học, Nghệ thuật và Ngôn ngữ.

Bằng tốt nghiệp A-level được xem là tiêu chuẩn vàng trong giáo dục phổ thông và được chấp nhận tại hầu hết các trường đại học ở Anh cũng như trên toàn thế giới.

Lộ trình học chương trình A-Level

Chương trình A-Level thường kéo dài trong khoảng hai năm (Lớp 11 và 12), chia làm 2 bậc (giai đoạn):

  • AS Level (Advanced Subsidiary): Đây là giai đoạn đầu tiên của chương trình A-level, diễn ra trong năm lớp 11. Chương trình học bậc AS-level cung cấp bước đệm cho các em tiếp cận với kiến thức ở mức độ học thuật nền tảng. Học sinh có thể chọn 3 – 5 môn học trong giai đoạn này và kết thúc năm học bằng kỳ thi lấy bằng AS.
  • A2-Level (Advanced Level): Đây là giai đoạn tiếp theo của AS Level của, diễn ra trong năm lớp 12. Học sinh sẽ chọn 2-3 môn học của giai đoạn AS để học tiếp và và thi để kết thúc chương trình bằng các môn học này. Chương trình học mở rộng và đi sâu vào chi tiết các môn đã học ở giai đoạn trước, đồng thời nâng cao mức độ học thuật của từng môn học.
A-Level có thời gian học trong vòng 2 năm (Lớp 11 và 12).
Tương tự một số bằng tú tài khác, A-Level có thời gian học trong vòng 2 năm (Lớp 11 và 12).

Với hệ thống khoảng 80 môn học, A-Level giúp học sinh tiếp cận nhiều lĩnh vực đa dạng trong suốt 2 năm trung học phổ thông. Học sinh có thể chọn môn học yêu thích tùy thuộc vào quy mô tổ chức chương trình tại các trường đăng ký theo học.

Kết quả toàn chương trình A-level được đánh giá bằng sự kết hợp giữa các bài tập thực hành và các bài kiểm tra trong cả hai năm (AS và A2) với thang điểm từ A* – E. Điểm tối thiểu cần đạt cho thang E là 40%, thang D là 50%, thang C là 60%, thang B là 70%, thang A là 80% và thang A* là 90%. Để được chấp nhận tại các đại học danh tiếng, bảng điểm của học sinh cần được duy trì ở mức A*, A và B.

Chọn môn học như thế nào cho chương trình A-Level?

Chọn môn học cho chương trình A-level là một quyết định quan trọng và cần được thực hiện cẩn thận dựa trên sở thích cá nhân, khả năng học tập và mục tiêu nghề nghiệp của học sinh. Đặc biệt, để tăng khả năng trúng tuyển vào các trường đại học hàng đầu, việc lựa chọn môn học cho chương trình A-level cần được thực hiện có chiến lược cụ thể.

Dưới đây là một số hướng dẫn giúp học sinh chọn môn học phù hợp:

  • Chọn môn học liên quan đến ngành bạn muốn theo đuổi

Lựa chọn các môn học liên quan đến ngành yêu thích sẽ tạo động lực và hứng thú để học sinh theo đuổi chuyên ngành. Học sinh cũng cần cân nhắc đến năng lực để chọn môn học phù hợp với sức học của bản thân. Ví dụ:

    • Nếu học sinh dự định học các ngành khoa học hoặc kỹ thuật, hãy chọn các môn như Toán học, Vật lý, Hóa học và Sinh học.
    • Nếu học sinh quan tâm đến các ngành kinh doanh, hãy chọn Toán học, Kinh tế và Kinh doanh.
    • Nếu học sinh muốn theo đuổi các ngành nhân văn hoặc xã hội, hãy chọn Văn học Anh, Lịch sử, Địa lý, Ngôn ngữ và Xã hội học.
  • Chọn các môn học được các trường đại học đánh giá cao

Các môn học như Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Văn học Anh và Lịch sử thường được các trường đại học top đầu đánh giá cao. Đây là các môn học có tính hàn lâm cao và thường được coi là “môn học truyền thống” (facilitating subjects) bởi chúng giúp học sinh phát triển các kỹ năng phân tích, tư duy logic, khả năng nghiên cứu, thu thập và truyền đạt thông tin một cách hiệu quả.

  • Lựa chọn cân đối giữa các môn học khó và dễ

Để đạt kết quả tốt nhất, bạn có thể cân nhắc kết hợp giữa các môn học có độ khó khác nhau. Điều này giúp các em học sinh quản lý thời gian học tập hiệu quả hơn và đạt được điểm số cao nhất.

Học sinh làm bài thi A-Level.
Có kế hoạch lựa chọn môn học phù hợp sẽ giúp học sinh dễ dàng ôn tập hiệu quả và đạt điểm cao trong kỳ thi cuối khóa.

Lợi ích của chương trình A-Level đối với học sinh tốt nghiệp

Chương trình A-level mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho học sinh trung học phổ thông, giúp các em phát triển toàn diện và chuẩn bị tốt cho tương lai học vấn và sự nghiệp. Dưới đây là một số lợi ích chính:

  • Chuẩn bị cho đại học: A-level được coi là tiêu chuẩn vàng trong giáo dục phổ thông và được công nhận rộng rãi bởi các trường đại học hàng đầu ở hơn 125 quốc gia, bao gồm cả các quốc gia có giáo dục tiên tiến bậc nhất như Hoa Kỳ, Canada, Singapore, Australia.
  • Chú trọng tính chuyên môn hóa: Chương trình A-level cho phép học sinh lựa chọn các môn học theo sở thích và mục tiêu cá nhân, giúp các em phát triển kiến thức chuyên sâu trong các lĩnh vực cụ thể. Điều này đặc biệt hữu ích cho những học sinh đã xác định được ngành học hoặc nghề nghiệp mình muốn theo đuổi. Ngoài ra, những chuyên ngành khó và đặc thù như Y, Luật, Kỹ sư, Dược yêu cầu sinh viên phải sở hữu chứng chỉ A Level với số điểm ấn tượng.
  • Tiết kiệm thời gian học tập: Hầu hết các học sinh khi muốn vào các trường đại học Anh Quốc, phải trải qua 1 năm dự bị đại học. Tuy nhiên, đối với học sinh đã bắt đầu học A-Level từ lớp 11, sau khi hoàn thành chương trình ở lớp 12, các em sẽ được xét tuyển thẳng vào nhiều trường đại học mà không cần phải qua thêm năm dự bị đại học nào.
  • Phát triển toàn diện các kỹ năng mềm: A-level đòi hỏi học sinh phải nắm vững kiến thức và kỹ năng tư duy phân tích, giải quyết vấn đề và nghiên cứu độc lập. Những kỹ năng này không chỉ hữu ích trong học tập và nghề nghiệp sau này mà còn là tiêu chí được hội đồng tuyển sinh tại các trường đại học đánh giá cao, tạo lợi thế cạnh tranh khi với các thí sinh khác.

Chương trình A-Level phù hợp với đối tượng học sinh nào?

Hiện tại trên thị trường có rất nhiều chương trình tú tài quốc tế khác nhau. Tuy nhiên, học sinh chọn theo học chương trình A-Level thường có những đặc thù như sau:

  • Tìm kiếm học bổng vào các trường top đầu: Học sinh hoàn thành chương trình A-level với điểm số cao thường có hồ sơ ấn tượng, thu hút sự chú ý của các hội đồng xét duyệt học bổng từ các trường đại học
  • Có mục tiêu rõ ràng về ngành học: Học sinh đã xác định rõ ngành học hoặc nghề nghiệp mà họ muốn theo đuổi thường chọn A-Level để tập trung vào các môn học liên quan và phát triển kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực đó, đặc biệt là các ngành về Y khoa, Luật, Nha khoa, Dược.
  • Tìm kiếm trải nghiệm học thuật cao cấp: Được đánh giá là một trong những chương trình tú tài có độ “khó” cao, A-Level thu hút những học sinh thích trải nghiệm, ưa thử thách và có sự nghiêm túc trong học tập. Đây cũng sẽ là cơ hội để học sinh được làm quen với kiến thức cấp cao trước khi bước vào lộ trình nhiều cạnh tranh ở bậc đại học.
Để trúng tuyển vào các đại học hàng đầu, quá trình học A-Level phải được đầu tư kỹ lưỡng.
A-Level phù hợp với những học sinh thích chinh phục chương trình học thuật cao và mong muốn nộp xét tuyển vào các ngành khó tại những đại học hàng đầu.

Kết luận, chương trình A-level là lựa chọn lý tưởng cho những học sinh có mục tiêu học thuật cao và muốn tạo nền tảng vững chắc chinh phục acc1 đại học hàng đầu.

Với sự công nhận quốc tế và khả năng linh hoạt trong việc chọn môn học, A-level không chỉ giúp học sinh chuẩn bị tốt nhất cho các kỳ thi đại học mà còn trang bị cho họ các kỹ năng tư duy phân tích, nghiên cứu độc lập và quản lý thời gian.

Những lợi ích này, cùng với cơ hội tiếp cận các học bổng và trường đại học hàng đầu, khiến A-level trở thành lựa chọn hấp dẫn cho những học sinh muốn tối ưu hóa khả năng học thuật và mở ra nhiều cánh cửa cho tương lai.

Nhận thức rằng học sinh có những nhu cầu, thế mạnh và nền tảng khác nhau, chương trình đào tạo quốc gia Úc đặt ra những tiêu chuẩn học thuật rõ ràng và đầy thách thức nhằm hỗ trợ các em tiến bộ trong học tập dù ở bất kỳ lứa tuổi và năng lực nào.

Lộ trình học tập Scotch AGS

Giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc định hình cuộc sống của công dân quốc gia. Nền giáo dục hiệu quả phải thu hút được những người trẻ trong việc thu nhận kiến thức, sự hiểu biết và các kỹ năng cần thiết để hội nhập và trở thành công dân toàn cầu. Đây cũng là một trong những triết lý giảng dạy quan trọng khi triển khai khung chương trình đào tạo quốc qua Úc tại Việt Nam.

Hình thành nền tảng kiến thức thông qua 8 lĩnh vực học tập

Là chương trình cốt lõi từ bậc Tiểu học đến THPT (Lớp 1-10) tại Scotch AGS, chương trình đào tạo quốc gia Úc tập trung phát triển kiến thức nền tảng cho mỗi cá nhân, đề cao sự xuất sắc và công bằng trong giảng dạy và học tập, đồng thời đào tạo người học trở thành những cá nhân tự tin và sáng tạo, và những công dân tích cực, có hiểu biết của cộng đồng.

Chương trình đào tạo quốc gia Úc xác định các kiến thức, sự hiểu biết và kỹ năng cần thiết mà học sinh nên có trong tám lĩnh vực học tập tiêu biểu. Tám lĩnh vực học tập này được thiết kế theo nhiều cấp bậc học từ cơ bản đến nâng cao, giúp phát triển kiến thức mở rộng và chuyên sâu trong một ngành học, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của học sinh.

8 lĩnh vực học tập trong chương trình
8 lĩnh vực học tập trong chương trình đào tạo quốc gia Úc.

1. Tiếng Anh

Là ngôn ngữ chính yếu sử dụng xuyên suốt trong quá trình học tập, mục tiêu chương trình cung cấp cho học sinh các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và phản xạ tốt đối với nhiều loại văn bản có tính phức tạp với chính xác cao, trôi chảy và đúng mục đích. Ngoài ra, chương trình giảng dạy Tiếng Anh cho phép học sinh đọc hiểu văn học theo cách tưởng tượng với tư duy ngôn ngữ linh hoạt và hoạt ngôn cao.

2. Toán học

Là môn học ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tư duy của mỗi cá nhân, phương pháp giảng dạy Toán học trong khung chương trình Úc ưu tiên phát triển kỹ năng tính toán cho cuộc sống hàng ngày. Học sinh được học kiến thức để hiểu biết và ứng dụng vào thực tế cuộc sống. Chương trình học bao gồm các khái niệm, công thức về đại số, hàm số, không gian, đo lường, dữ liệu toán và thuật toán, cho phép người học hiểu và quản lý thế giới tự nhiên bằng nhiều phương thức như đặt câu hỏi, phỏng đoán, đưa giả thuyết; ước lượng, chứng minh, mô hình hóa và giải quyết vấn đề.

3. Khoa học

Ứng dụng của khoa học đóng vai trò to lớn trong sự phát triển của nhân loại. Đây là môn học cung cấp cho học sinh sự hiểu biết về các khái niệm, quy trình hoạt động và sự vận động của thế giới xung quanh. Chương trình giảng dạy phát triển kỹ năng tìm hiểu khoa học và xây dựng nền tảng kiến thức về sinh học, hóa học, vật lý, trái đất và vũ trụ. Nhờ đó, học sinh có thể giải thích và dự đoán các hiện tượng trong đời sống, đồng thời hiểu được bản chất của kiến thức khoa học.

4. Khoa học xã hội và nhân văn

Môn học giúp học sinh có cơ hội nghiên cứu hành vi và tương tác của con người trong nhiều bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa, kinh tế và chính trị. Ngoài tìm hiểu cách thức vận hành của xã hội và nền kinh tế, các em cũng khám phá được bản sắc cá nhân riêng của mình thông qua sự kết nối các sự kiện xã hội.

5. Nghệ thuật

Nghệ thuật tạo cơ hội cho học sinh được học hỏi, sáng tạo và truyền cảm hứng để các em trở thành những nghệ sĩ thực thụ. Chương trình giảng dạy sẽ bao gồm năm môn học riêng biệt nhưng có mối liên quan mật thiết với nhau: Múa, Kịch, Nghệ thuật Truyền thông, Âm nhạc và Nghệ thuật Thị giác. Mỗi môn học bao gồm các cách tiếp cận lý thuyết khác nhau nhưng liên quan thực hành nghệ thuật và phản ánh các khối kiến thức, hiểu biết và kỹ năng riêng biệt.

6. Ngôn ngữ

Trong chương trình đào tạo quốc gia Úc chính thống, ngoài tiếng Anh, học sinh còn được trau dồi thêm nhiều ngôn ngữ khác nhau, giúp học sinh phát triển. Đặc biệt, tại Scotch AGS, tiếng Việt được chú trọng giảng dạy song song với Anh ngữ nhằm đảm bảo việc duy trì và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt trong mỗi học sinh.

7. Giáo dục sức khỏe và thể chất

Chương trình đào tạo phát triển kiến thức và sự hiểu biết của học sinh để củng cố ý thức về sức khỏe bản thân. Thông qua các hoạt động thể chất, học sinh tích lũy được các kỹ năng vận động, rèn luyện một cơ thể khỏe mạnh, tự tin, xây dựng tốt mối quan hệ đội nhóm. Bên cạnh đó, chương trình khuyến khích trau dồi và chuyên môn hóa các năng khiếu cá nhân đặc thù dựa trên thế mạnh của từng học sinh.

8. Công nghệ

Mục tiêu của chương trình là cung cấp cho học sinh cơ hội tìm hiểu và làm việc với nhiều hình thức công nghệ ở giai đoạn truyền thống lẫn hiện đại. Học sinh biết áp dụng kiến thức, kỹ năng và quy trình để tạo ra các giải pháp sáng tạo, sử dụng tư duy thiết kế, tính toán một cách độc lập và linh hoạt. Chương trình bao gồm 2 môn học có mối liên quan mật thiết với nhau trong việc giúp người học đưa ra ý tưởng và giải pháp cho các thiết kế kỹ thuật số, bao gồm: Thiết kế và Công nghệ, Công nghệ kỹ thuật số.

Truyền đạt thông qua phương pháp giảng dạy tích hợp

Hiểu được vai trò to lớn của giáo dục và đào tạo khi hướng đến mục tiêu “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”, ngoài việc tích lũy được nền tảng kiến thức của từng môn học, ngành nghề khác nhau, các em học sinh còn được mong đợi sẽ biết cách kết hợp và vận dụng kiến thức ở nhiều lĩnh vực để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.

Đây là tiền đề để phương pháp giảng dạy tích hợp được chú trọng trong chương trình đào tạo quốc gia Úc nhằm hình thành các năng lực chung cần có ở mỗi học sinh. Kết hợp 8 lĩnh vực học tập thông qua phương pháp này sẽ giúp học sinh dần tích lũy và phát triển các năng lực chung sau một thời gian học tập và rèn luyện.

Ưu điểm của dạy học tích hợp là tạo nên sự liên kết giữa kiến thức và kỹ năng của các ngành hoặc môn học khác nhau để học sinh phát huy hiệu quả kiến thức của mình nhằm giải quyết các tình huống cụ thể. Trong đó, học sinh luôn là trung tâm của việc dạy và học, giáo viên sẽ đóng vai trò là người hỗ trợ và dẫn dắt. Bên cạnh đó, hình thức truyền đạt này còn mang đến sự hứng thú, khuyến khích động lực học tập trong mỗi học sinh khi chương trình hiểu rằng đâu là kiến thức học sinh cần và kiến thức các em muốn học.

Ngoài ra, sự nổi bật của phương pháp dạy tích hợp còn giúp học sinh tăng cơ hội làm việc đội nhóm giữa các thành viên cũng như sự tương tác với giáo viên. Điều này giúp tạo nên bầu không khí thân thiện, đoàn kết, học hỏi lẫn nhau, từ đó vai trò của học sinh và giáo viên cũng được khắc họa rõ nét. Kết hợp dạy học tích hợp cùng 8 lĩnh vực học tập sẽ tạo ra quá trình hoàn thiện các năng lực chung, mà nhóm năng lực này sẽ là chìa khóa giúp các em học sinh mở ra cánh cửa hội nhập thế giới.

Cung cấp 7 năng lực chung cần thiết cho học sinh ở thế kỷ 21

Sự đa dạng và linh hoạt trong thiết kế chương trình mà mang lại, kết hợp cùng phương pháp giảng dạy từ Scotch AGS – Trường Úc 100 năm, đã hình thành nên bộ 7 năng lực chung mà mỗi học sinh cần phải có để đáp ứng kịp thời xu hướng của thời đại, bao gồm các năng lực: Ngôn ngữ và văn chương, Tính toán, Công nghệ thông tin, Đổi mới sáng tạo, Giao tiếp xã hội, Phục vụ cộng đồng và Ngoại giao.

Các năng lực là sự kết hợp của kiến thức, kỹ năng, hành vi được phát triển thông qua từng nội dung giảng dạy trong 8 lĩnh vực học tập. Quá trình này giúp rèn luyện từng học sinh trở thành những cá nhân tự tin và sáng tạo, những người học thành công suốt đời và những thành viên tích cực và có hiểu biết của cộng đồng.

Vì thế, mỗi năng lực trong khung chương trình đào tạo đòi hỏi người học phải đạt được một số yêu cầu nhất định.

7 năng lực chung trong chương trình đào tạo quốc gia ÚC
7 năng lực chung mà chương trình đào tạo quốc gia Úc hướng đến cho mỗi học sinh.

1. Ngôn ngữ và văn chương

Học sinh cần thành thạo kỹ năng đọc hiểu đa văn bản trong từng tình huống, ngữ cảnh nhất định bao gồm khả năng đọc, ghi nhớ, viết, hiểu, sáng tạo và nói.

2. Tính toán

Người học cần hiểu được vai trò của toán học trong đời sống, từ đó sử dụng kiến thức và kỹ năng tính toán chính xác, có mục đích nhằm áp dụng vào học tập, làm việc và nghiên cứu chuyên sâu trong tương lai.

3. Công nghệ thông tin

Năng lực này được hình thành khi xây dựng cho học sinh khả năng sử dụng hiệu quả các công cụ công nghệ, gắn với việc truy cập và quản lý thông tin, bao gồm khả năng tìm kiếm, thực hiện các tác vụ trên máy tính, sử dụng phần mềm và ứng dụng,…

4. Đổi mới và sáng tạo

Tư duy phản biện là cốt lõi của hầu hết các hoạt động trí tuệ liên quan đến lập luận và giải quyết vấn đề. Mặt khác, tư duy sáng tạo liên quan đến học sinh học cách tạo ra và áp dụng các ý tưởng mới trong các bối cảnh cụ thể, nhìn nhận các tình huống hiện có theo cách hoàn toàn mới, sáng tạo những ý tưởng mới nhằm đưa ra những giải pháp dẫn đến những kết quả tích cực.

5. Giao tiếp xã hội

Năng lực này liên quan đến việc học sinh hiểu rõ bản thân mình và những người khác, có khả năng quản lý hiệu quả các mối quan hệ cá nhân, trong học tập, công việc lẫn trong cuộc sống. Học sinh được khuyến khích phát triển kỹ năng giao tiếp xã hội thông qua các hoạt động bên trong và ngoài lớp học.

6. Phục vụ cộng đồng

Việc phục vụ cộng đồng không chỉ giúp học sinh phát triển kỹ năng lãnh đạo, tổ chức và quản lý thời gian một cách hiệu quả, mà còn giúp các em trở thành những công dân có trách nhiệm và tinh thần đóng góp cho cộng đồng.

7. Ngoại giao

Đây là nhóm năng lực tập trung vào sự hiểu biết đa văn hóa. Điều này liên quan đến việc học sinh học cách tiếp thu và hội nhập các nền văn hóa, ngôn ngữ và tín ngưỡng của riêng mình cũng như của xã hội, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội cũng như làm phong phú đời sống trí tuệ và tinh thần trong mỗi cá nhân.

Có thể thấy, với thiết kế thống nhất và phương thức giảng dạy linh hoạt dựa trên việc cung cấp các năng lực chung thông qua nhiều lĩnh vực học tập, chương trình đào tạo quốc gia Úc sẽ là mang đến cho học sinh những trải nghiệm học tập thực tiễn thú vị. Đây sẽ là chương trình mang tính “hệ điều hành cốt lõi” tại trường Scotch AGS khi trang bị cho học sinh Việt nền tảng kiến thức, kỹ năng sống và làm việc mà các em học sinh nên có để thành công trong thế kỷ 21, phát triển người học thành những người tự tin và sáng tạo, những công dân năng động và có tư duy hiểu biết trước những vấn đề toàn cầu.